NGƯỜI THỦ LÃNH NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH – Giáo Phận HÀ NỘI

NGƯỜI THỦ LÃNH NHẠC ĐOÀN LÊ BẢO TỊNH – Giáo Phận HÀ NỘI

ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG

Và Nhạc sĩ Tài danh HÙNG  LÂN

VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG

I -  KHI MÙA GIÁNG SINH TRỞ VỀ :

       Lễ Giáng Sinh là ngày Đại Lễ mừng Chúa Giêsu Hài Đồng giáng trần để cứu chuộc nhân loại. Sự kiện này đã được các Tiên Tri nói tới hàng ngàn năm trước trong Kinh Thánh Cựu Ước, bởi vậy thời điểm khi Chúa Cứu Thế ra đời đã chia đôi dòng lịch sử của Nhân loại thành hai thời kỳ, trước Chúa giáng trần được ghi bằng ký hiệu B. C. (Before Christ - trước Chúa ) và A. D. (Anno Domini – năm của Chúa chúng ta ) Kể từ sau khi Chúa sinh ra.

        Người Việt Nam thường gọi Lễ Giáng Sinh là Nô-Ên, phiên âm từ tiếng Pháp Noel, tiếng  Anh dùng chữ Christmas, tiếng La tinh là Dies Natalis.

        Lễ Giáng sinh lâu nay được coi như là “Lễ của các ngày Lễ”, tuy là ngày lễ của những người theo Thiên Chúa Giáo, nên cứ đến ngày lễ này thì mọi người bất cứ theo Đạo nào cũng được hưởng niềm vui tự nhiên do không khí Giáng sinh mang lại bao trùm khắp nơi trên Hoàn Cầu. Bởi vậy hằng năm Giáng sinh về rộn rã chuẩn bị cho mùa Lễ Hội, đem lại cho loài người niềm hân hoan, mừng vui một cách kỳ diệu, khiến cho nhịp sống thường nhật như có phần vội vã tấp nập hơn, hòa trong khung cảnh buôn bán sầm uất, cùng với bầu khí nhộn nhịp đâu đây, khi nghe bên tai những lời ca tiếng hát êm ái của các bản nhạc quen thuộc lâu nay đan xen cả Đạo lẫn Đời vang vọng từ trong nhà ra tới ngoài phố chợ.

      Nói về Thánh Ca Giáng Sinh ở Việt Nam, ngoài những bản nhạc do các Nhạc Sĩ bậc thầy như: Phaolô Đạt, Nguyễn văn Thích, Hải Linh, Hùng Lân, Hoài Đức, Duy Tân, Kim Long, Hoàng Kim v.v… sáng tác đã đi sâu vào tiềm thức của người Tín Hữu trong cả nước với tâm tình ngưỡng mộ, còn có những ca khúc Giáng Sinh nước ngoài nổi tiếng đã trở thành di sản chung của Nhân loại, qua lời dịch thuật hoặc sáng tác theo ngôn ngữ riêng của mỗi Quốc Gia, trong số này bài: ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG do Nhạc Sĩ Hùng Lân dịch ra lời Việt của tác phẩm:SILENT NIGHT,bài ca ra đời từ năm 1818 tại một xứ đạo vùng quê hẻo lánh ở Áo Quốc, nhưng  sau đó đã lan tỏa phổ biến rộng rãi và được nhiều Dân Tộc nồng nhiệt đón nhận.

II – ĐÔI  DÒNG LAI LỊCH BÀI “ SILENT NIGHT” – ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG :

        Vào thời điểm năm 1817, Cha Joseph Mohr bước vào tuổi 25 được bổ nhiệm làm Linh mục phụ tá nhà thờ Thánh Nicôlas thuộc miền Oberndorf của Nước Áo (trong lịch sử có thời thuộc Nước Đức).

           Mùa đông năm 1818, Cha Mohr  đã lên chương trình chuẩn bị tổ chức lễ Giáng Sinh rất chu đáo, nhưng đến gần ngày lễ Cha mới phát giác ra chiếc Đàn Phong Cầm của Nhà thờ đã bị chuột cắn phá làm hư hỏng, dù Cha sửa thế nào cây đàn vẫn không lên tiếng. Ngài rất bối rối, không biết làm sao có đàn để hát trong đêm Giáng Sinh, bất chợt Cha nhớ  ra cách đây gần hai năm lúc còn ở xứ Mariapfarr Cha có sáng tác một bài thơ Giáng sinh và khi đổi về đây Cha có mang theo bài này.

            Cầm bài thơ “Still Nacht ! Heilige Nacht!” Cha vội vàng tìm đến tư gia Ông Franz Gruber, người Giáo viên dạy nhạc ở  trường làng, chuyên chơi đàn cho Nhà thờ Thánh Nicôlas. Cha đưa bài thơ của mình ra và nhờ Ông viết nhạc cho bài nàyđể Ca Đoàn kịp hát Lễ đêm Giáng Sinh.

          Vài giờ sau Gruber đưa bản nhạc cho Cha Mohr coi, xem xong Cha dùng đàn ghi ta tập hát cho Ca Đoàn .

         Trước Thánh Lễ nửa đêm 24.12.1818, Cha Mohr và thầy giáo Gruber đã giới thiệu bản nhạc  đơn sơ mộc mạc với Cộng Đoàn tín hữu. Cả hai không ngờ rằng bài ca hay quá được nhiều người yêu thích, mộ mến.

         Sau Giáng Sinh năm đó, ca khúc này nhanh chóng được phổ biến chẳng những ở Áo, Pháp, Đức với tựa đề: “Still Nacht, Heilige Nacht”, mà còn vượt biên giới sang tới Anh, Mỹ,Na Uy và cho đến cuối thập niên 1800 đã được dịch ra trên 20 thứ tiếng khác nhau, và là bản nhạc không lúc nào thiếu mỗi khi mùa Noel về. Riêng tại Nước Mỹ nhạc sĩ John Freeman Young dịch sang tiếng Anh có tên: “Silent Night, Holy Night.”Bài hát nổi tiếng đến độ vào thời nội chiến Nam Bắc ở Hoa Kỳ, tuy binh sĩ hai miền thù địch đang chém giết nhau nhưng mỗi dịp lễ Giáng Sinh tới, họ đều buông súng tụ họp chung để cùng đọc Kinh Thánh, chia sẻ quà bánh, dự Thánh lễ và cất cao lời ca “Silent Night, Holy Night.” Một hình ảnh thật là tuyệt vời.

          Qua tìm hiểu người ta còn biết được một điển độc đáo nữa là vào dịp Giáng Sinh trong các nghi lễ Phụng Vụ tại Thánh Đưòng Công Giáo, ở Nhà Thờ Tin Lành và nơi Thờ Tự của Chính Thống Giáo trên khắp Thế Giới, cả ba Tôn Giáo đều xử dụng chung nhất dòng nhạc: “Silent Night, Holy Night – Đêm Thánh Vô Cùng” này.

          Tại Việt Nam với bài ca này, một số tác giả đã dịch sang lời việt nhưng bản dịch “Đêm Thánh Vô Cùng” của Hùng Lân là hay hơn cả và được nhắc tới nhiều nhất, vì theo Ông Hoàng văn Sự em út trong gia đình cho biết: Vào khoảng tháng 9 năm1947 Cha G.B. Nguyễn văn Vinh từ Pháp quốc có đem theo bản hát này bằng tiếng Đức và cả tiếng Anh về tặng cho các học sinh lớp hoà âm ở Hà Nội trong đó có Hùng Lân, để rồi từ đấy Hùng Lân đã phỏng dịch bản tiếng Anh sang Việt ngữ với tựa đề“Đêm Thánh Vô Cùng” và được in Ronéo trong cuốn “Phụng Ca” của nhà thờ Chính toà Hà Nội năm 1951 là bản dịch ở Việt nam đầu tiên, để rồi từ đó bản Thánh Ca bất hủ này lan truyền từ Bắc chí Nam sang cả nước ngoài, lưu truyền cho đến ngày nay.

III – SƠ LƯỢC TIỂU SỬ NHẠC SĨ HÙNG LÂN:

        Theo gia phả  Nhạc sĩ Hùng Lân gốc gác thuộc Miền Nam, danh tính của Ông vốn Họ Nguyễn vì Cụ Nội Tên Phaolô Nguyễn Minh Châu sinh quán ở làng Hương Điền,Tỉnh Sa Đéc, thuộc Giáo phận Vĩnh Long. Thời Pháp thuộc Cụ Châu ra Hà Nội làm việc và đem theo người con trai duy nhất còn nhỏ tên Nguyễn văn Thiện (Cha của Hùng Lân) đi theo.

        Cụ Châu làm việc ở Hà Nội được ít lâu thì phải về Sa Đéc lo chuyện riêng Gia đình, nên đành gửi Cậu Thiện lại cho người bạn thân là Ông Giuse Hoàng Văn Khoát quê Sơn Tây nuôi nấng hộ và hàng tháng đều gửi tiền ra lo cho con trai, nhưng sau đó vì Gia cảnh gặp khó khăn nên mất liên lạc. Bị gián đoạn chẳng có tin tức gì của Cụ Châu, Ông Bà Khoát cũng hiếm muộn , nên đã nhận Cậu Thiện làm Con và làm giấy khai sinh thay họ Nguyễn bằng họ Hoàng.

       Hoàng văn Thiện (tức Nguyễn văn Thiện) ở nhà Cha mẹ nuôi, sau lớn lên kết hôn với Cô Matta Nguyễn thị Nhạ. Ra ở riêng sinh sống tại Hà Nội và lần lượt Ông Bà Thiện sinh hạ được 11 người con, trong đó Hùng Lân là con trai thứ tư.    

       Nhạc Sĩ Hùng Lân tên là Phêrô Hoàng văn Hường (lúc đầu Cha Mẹ đặt tên Cường nhưng do nhầm lẫn khai sinh ghi là Huờng) sinh ngày 23 tháng 6 năn1922 tại Hà Nội. Từ năm 1930 được Gia đình gửi vào trường Gendreau (sau đổi tên trường Dũng Lạc)  trên Phố Nhà Chung Hà Nội, sau đó học trường của các Sư Huynh Dòng La San, tại đây Hùng Lân bắt đầu làm quen với âm nhạc do Cha P.Dépaulis (Cố Hương) chỉ dạy và vào ban hợp xướng của nhà thờ lớn Hà nội.

     Năm 1934 Hùng Lân được nhận vào Chủng viện Hoàng Nguyên thuộc địa phận Hà Nội, tiếp đến năm 1942 lên Đại Chủng viện Xuân Bích, trong những năm tháng ở Chủng viện, ngoài những môn học trong chương trình đào tạo Linh Mục ra, Ông còn say sưa thụ huấn âm nhạc với Cha J. Bouis.

    Đến năm 1945 cuộc đời Hùng Lân gặp biến cố lớn Thân Mẫu qua đời, tiếp đến năm sau 1946 Thân Phụ cũng từ trần.Các em còn nhỏ, Ông là con trai lớn nhất còn sống nay là chỗ dựa chính của gia đình. Trong hoàn cảnh bi đát như vậy, Ông đành phải từ giã Đời Tu trở về nhà tìm việc làm kiến tiền nuôi các em. Nói về tình cảm thương yêu lưu luyến đối với gia đình được ông biểu lộ trong việc ghép tên 2 người em trai đã qua đời khi còn trẻ đó là người em thứ năm tên HÙNG và người thứ tám tên LÂN thành bút hiệu HÙNG LÂN cho mình, bên cạnh tên hiệu “Nam Hoa” và “Lâm Thanh”dùng cho một số  sáng tác Thánh ca của Ông sau này. Ngoài ra để tưởng nhớ đến cội nguồn ở miền đất Nam Bộ nên Hùng Lân đã lấy danh tánh Ông Nội  MINH CHÂU đặt tên cho bài hát nổi tiếng : “VIỆT NAM MINH CHÂU TRỜI ĐÔNG” và  thêm bài : “CUNG KÈN RẠNG ĐÔNG “ sáng tác vào năm 1944 – Đúng một năm trước Cách Mạng Tháng Tám 1945 - khi còn là một thanh niên 22 tuổi. Cả hai bài này được trao giải nhất cuộc thi âm nhạc toàn quốc của Hội Khuyến Nhạc tổ chức do nhạc sư Nguyễn văn Giệp làm Hội trưởng.

     Từ khi rời Chủng Viện về sống đời thường, Ông dạy học ở trường Kẻ Giảng trong 2 năm tại Giáo xứ Kẻ Sở. Đến năm 1948 Hùng Lân về lại Hà Nội dạy trường Chu Văn An cùng soạn chương trình dạy âm nhạc từ lớp đệ thất đến đệ tứ, Công trình này đã được Bộ Giáo Dục thời bấy giờ trao tặng 2 giải thưởng cho vị giáo sư có công soạn sách giáo khoa đầu tiên cho học sinh các trường phổ thông.

       Thời gian sau trở lại quê quán cũ Miền Nam, và vào năm 1956  Ông nhận dạy môn “Nhạc Pháp” tại trường Quốc Gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài gòn, ngôi trường mà Ông có công tham gia sáng lập từ thuở ban đầu, sau đó đi Tu nghiệp về Giáo dục và Truyền thanh Truyền hình tại Đại học Syracuse tại Hoa Kỳ trong 2 năm 1967-1968, khi trở về Việt Nam Ông là người đạo diễn khai sinh ra Chương trình “Đố Vui Để Học” do Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Giáo Dục đảm trách phát hình từ 1969

    Nhạc sĩ Hùng Lân còn làm giáo sư ở trường Đại học Đà Lạt với giáo trình “Tìm hiểu Dân Ca Việt Nam” do Ông biên soạn mang tính dân tộc cao,làm đổi mới tư duy cho các Sinh viên theo học. Tác phẩm biên khảo này khá đồ sộ , rất công phu được Viện Đại Học Đà lạt xuất bản, cùng được nhiều Độc giả đánh giá là một tài liệu rất hữu ích cho những người muốn tra cứu về lãnh vực Dân Ca nước nhà.

     Sau biến cố 30.4.1975 Hùng Lân và Gia Đình vẫn sinh sống làm ăn tại tư gia tọa lạc trên con đường  Nguyễn văn Thủ (đường Tự Đức cũ) Quận 1 Sài Gòn, thuộc Giáo xứ Dòng Phanxicô  Đakao.Nơi căn nhà ấm cúng này, Ông có nhận dạy cho một số người về âm nhạc do bạn hữu thân quen giới thiệu tìm tới.

        Trong năm 1982 Hùng Lân đạt tuổi“Lục Tuần” Ông cho là “Thọ” nên đã cho ra đời tập nhạc quay Ronéo : “LỄ TẠ ƠN 60 TUỔI ĐỜI CA NGỢI CHÚA”, có lẽ đây là những ca khúc xuất hiện công khai trước công chúng cuối đời, vì trọng bệnh Ông đã từ biệt trần gian vào ngày 17.9.1986 tại Sài Gòn, hưởng thọ 64 tuổi. Thi hài Ông được an táng tại nghĩa trang Thủ Đức.

IV – HÙNG LÂN -NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG ÂM NHẠC:

        Nhạc sĩ Hùng Lân là một trong những người  tiền phong của làng Tân nhạc Việt Nam nói chung và của nền âm nhạc Thánh ca Việt Nam nói riêng, đã đóng góp nhiều cho Tổ quốc và Giáo hội theo ý nghĩa khai phá, cũng như phát triển Dân nhạc cùng Thánh nhạc.

      Tên tuổi, uy tín và công sức của Nhạc sĩ Hùng Lân qua các tác phẩm để lại cho đời thật lớn lao với trên 900 tác phẩm âm nhạc bao gồm nhiều thể loại, trong mọi lãnh vực:

       - Sơ lược về Dân Nhạc cho Quê hương Đất nước, Hùng Lân đã là người tiếp bước các Nhạc sĩ Lưu hữu Phước, Văn Cao, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, nên Ông đã có khuynh hướng sáng tác những bài “Hùng ca yêu nước” , mang nội dung Cách Mạng, tiến bộ, lành mạnh,trong sáng, nỗ lực cổ vũ lòng yêu Quê Hương Đất Nước, ca ngợi tinh thần chiến đấu của Dân tộc ta, điển hình như bài: “Việt Nam minh châu trời Đông”. Ngoài ra Hùng Lân còn bỏ ra nhiều công sức cho ra đời những công trình nghiên cứu âm nhạc và để thử nghiệm Ông đã soạn thảo các bài minh họa có đến 100 bài Dân ca Gíáo dục,100 Dân ca ba miền, 100 bài Dân ca hòa âm nhiều bè, và hơn 40 bài tân nhạc theo âm hưởng Dân tộc như: “Thằng Bờm”, “Hò Vọng Cổ”, “Cái Cò lặn lội bờ sông”, bên cạnh những bài ca cho các sinh hoạt tập thể như: “Hè về”, “Khoẻ vì nước”, “Học sinh hành khúc”, “Tiếng Gọi Lên Đường”,v…v…tiếp đến Ông đã bỏ nhiều thời gian biên khảo giáo trình dạy môn âm nhạc cho Học sinh bậc Trung học và Sinh viên các trường Đại học, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giáo dục con em nước nhà. Ngoài ra Ông còn trực tiếp hướng dẫn cho nhiều môn sinh trở thành các Nhạc sĩ, Ca trưởng, Ca viên nổi tiếng.

      - Về phần Thánh nhạc phải nói Hùng Lân là Con Chim đầu đàn, là một trong những người khởi xuớng thành lập Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh vào tháng 7 năm 1945 tại nhà số 43 phố Julien Blanc ( nay là phố Phủ Doãn ) Hà Nội và Hùng Lân được bầu làm Đoàn Trưởng kiêm Thư ký, với một số nhạc sĩ ban đầu gia nhập như : Thiên Phụng, Tâm Bảo, Thanh Tùng, Nguyễn khắc Xuyên …tiếp đến còn có sự hiện diện của: Hoài Đức, Duy Tân, Nguyễn văn Thích, Hoài Chiên, Cao Phương...

      Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh với người thủ lãnh đầu tiên Nhạc sĩ Hùng Lân đã họat động liên tục trong thời gian dài đem lại nhiều thành quả tốt đẹp, mở ra một thời kỳ mới cho nền Thánh Nhạc Việt nam,đã phổ biến âm nhạc Công Giáo một cách sâu rộng đến mọi từng lớp dân chúng, đáp ứng đầy đủ trong các mùa Phụng vụ Kinh Lễ quanh năm. Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh với tuyên ngôn : “Về chuyên môn Phụng sự Thiên Chúa và        Tổ Quốc, Về nghệ thuật lấy Dân Ca ba miền làm cơ sở cấu trúc âm thanh” , từ đó Nhạc Đoàn lần luợt cho ra đời nhiều đóng nhạc phẩm có giá trị, đủ thể loại, phần nhiều được lấy cảm hứng từ Thánh Kinh với công lao góp không nhỏ của Hùng Lân, vì kể từ ngày ra đời cho đến năm 1974  Nhạc Đoàn đã phát hành in ấn 16 tập sách mang tên “CUNG THÁNH” gồm trên 300 bài ca,  trong đó có tới 90 bài của Hùng Lân. Tiếp đến Nhạc Đoàn còn cho xuất bản tập “CUNG THÁNH TỔNG HỢP” có 174 bài trong số 300 bài kể trên. Sau đó đầu năm 1975 Nhà Đa Minh Thiện Bản còn cho in tập “CUNG THÁNH TỔNG HỢP TÂN BIÊN” của Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh với 353 trang, hầu đáp ứng nhu cầu hằng ngày tiện dụng cho các Ca Đoàn Xứ Đạo.

       Hiện nay Hùng Lân vị thủ lãnh đầu tiên đã ra đi về nơi vĩnh hằng, nhưng dưới sự điều hành của Nhạc Sĩ Linh Mục Vương Diệu Nhạc Đoàn Lê Bảo Tịnh vẫn duy trì tiếp tục sinh hoạt , giữ vững danh hiệu Nhạc Đoàn hàng đầu, với 67 năm hiện diện trên cung đàn nổi tiếng lâu nay.

     Qua quá trình hoạt động cùng với khả năng thiện chí, kinh nghiệm và uy tín, Nhạc sĩ Hùng Lân đã được Đức Cha Giuse Phạm văn Thiên đặc trách về Phụng vụ, Thánh nhạc, Mỹ thuật Tôn giáo của Hôi Đồng Giám Mục chính thức bổ nhiệm Ông vào Ủy Ban Thánh Nhạc Toàn quốc Việt Nam kể từ ngày 12 . 10 .1971. Ngoài những bài Thánh Ca đóng góp chung trong Nhạc Đoàn, riêng Hùng Lân còn xuất bản thêm ba tập sách: “CA VANG LỜI CHÚA  1-2-3”. Trong suốt cuộc đời gắn bó  từ thời thanh xuân cho tới cuối đời Ông vẫn luôn tha thiết với sự nghiệp âm nhạc, qua sự tiết lộ của bạn bè thân hữu và theo Bà Mônica Nguyễn thị Dung người bạn đời của Nhạc sĩ, khi Ông đột ngột ra đi, trên bàn làm việc vẫn còn bề bộn những trang cuối của một dạng “Di Cảo” gồm trên 80 bài phổ nhạc Thánh Vịnh khá công phu mang tựa đề “Nhạc lý Tân Biên” với bút hiệu mới “Nam Hoa”.

      Tất cả mọi đóng góp trên cả Đời lẫn Đạo, đã nói lên tinh thần yêu nhạc thiết tha và sự tích cực xây dựng của Nhạc sĩ Hùng Lân  đối với nền Dân nhạc và Thánh nhạc Việt Nam thật là lớn lao, còn ảnh hưởng mãi cho các thế hệ mai sau.

V - SỨC SỐNG CỦA NHỮNG BÀI THÁNH CA BẤT HỦ.

    Nhạc sĩ Phêrô Hùng Lân là một trong những Nhạc sĩ thuộc thế hệ đầu tiên khai sinh nền Thánh nhạc Việt Nam trong thập niên 1940 của thế kỷ XX, có mặt ngay từ buổi đầu, đã để lại nhiều dấu ấn bằng tiếng hát cung đàn,đưa con người từ trần gian đến với Thiên Chúa chí tôn,tất cả đều vượt thời gian và không gian đi dần vào lòng Tín hữu qua các nhạc phẩm để đời mà Ông đã đóng góp công sức cùng với Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, đã đặt nền tảng cho vườn hoa Thánh Nhạc ngày thêm phát triển và phong phú hơn.

    Cách riêng bản nhạc “ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG” đầu tiên xuất hiện trên cuốn “Phụng Ca” năm 1951, đến năm 1952 được in lại trong tập “Cung Thánh XI” là một trong số những tác phẩm bất hủ của Hùng Lân đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người trong tâm tình yêu mến và ngưỡng mộ luôn mãi trường tồn. Cho dù ngày nay Ông đã ra người thiên cổ nhưng Công Chúng nói chung và Tín hữu Ki Tô Giáo nói riêng vẫn mãi nhớ và cảm ơn những gì mà Người Nhạc sĩ tài ba đã để lại cho hậu thế, để mỗi mùa Giáng Sinh về những lời ca êm đềm tha thiết đó lại vang lên, lan toả trong tâm hồn con dân nước Việt sinh sống tại quê nhà hay tản mát khắp nơi trên Thế Giới, tất cả đã đi vào cõi bất tử của lòng người :

Đêm Thánh vô cùng.Giây phút tưng bừng. Đất với trời se chữ đồng. Đêm nay Chúa Con Thần Thánh tôn thờ.Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa. Ơn châu báu không bờ bến…

 

      Hoa Thịnh Đốn Thủ Đô Hoa Kỳ, mùa Giáng Sinh 2011

                                                                                Vinh Sơn VŨ  ĐÌNH  ĐƯỜNG