BẢN THÁNH CA NỔI TIẾNG

BẢN THÁNH CA NỔI TIẾNG

BÀN THÁNH CA NỔI TIẾNG

CAO CUNG LÊN

CỦA NHẠC SĨ LINH MỤC HOÀI ĐỨC

 

       GIÁNG SINH VỚI NHỮNG BÀI CA BẤT HỦ

 

        Ngày nay lễ Giáng-sinh không còn dành riêng tín hữu Thiên Chúa giáo nữa, mùa Nô-en đã đang được nhiều người nghinh đón khắp địa cầu. Náo nức trong tâm hồn, mong ngày Kỷ niệm Ngôi Hai xuống thế làm Người; thể hiện bầu khí rộn ràng các loại hình dịch vụ thương mại, hàng hóa, quần áo thời trang, đi đôi Hang đá, đèn sao cây thông, điện màu nhấp nháy và những cánh thiệp chúc mừng xinh xắn: “MERRY CHRISTMAS AND A HAPPY NEW YEAR” được gửi đi muôn phương, các cháu nhi đồng thao thức đợi phần quà từ ông già Nô-en ban tặng.

        Chúng ta mừng lễ mà không nhắc tới Thánh nhạc là điều thiếu sót, vì mùa này là dịp tạo cảm hứng sáng tác đối với nhạc sĩ. Vậy mỗi khi Nô-en về chớm lạnh, trong nhà ra phố xá, đâu đâu cũng văng vẳng tiếng nhạc du dương hay trầm hùng êm ái: Silent Night (Đêm Thánh Vô Cùng), Adeste Fideles (Tín Hữu Hãy Thờ Lạy), Jingle Bell (Chuông Ngân Vang), Minuit Chrétien (Nửa Đêm Tín Hữu...).

        Bên cạnh đó có những ca khúc Việt Nam đi vào tâm khảm, vượt thời gian và không gian: Mừng Chúa Ra Đời, sáng tác đầu tay của linh mục Phaolô Đạt; Hang Bêlem của Hải Linh; Ánh Sao Xưa của Trần Hùng Dũng; Đồng Quê Bêlem của Minh Trân; Cao Cung Lên của Hoài Đức. Và còn nhiều nữa những bài rất thân quen: Mùa Sao Sáng, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Bài Thánh Ca Buồn, Hai Mùa Noel, Lời Con Xin Chúa, Dư Âm Mùa Giáng Sinh, Niềm Tin, Mùa Hoa Tuyết, Mùa Đông Năm Ấy, v.v…

        Đề cập cách riêng đến bài “CAO CUNG LÊN” là một trong những bản nhạc xuất hiện thuở ban đầu, khai mào nền Thánh nhạc Việt Nam thời 1945, đến nay đã hơn 60 năm. Nói đến Giáng-sinh không thể quên “CAO CUNG LÊN” của nhạc sĩ linh mục Hoài Đức, vì bài hát đã in sâu trong tâm hồn tín hữu từ cụ già đến em bé, cùng cất tiếng hoan ca nơi giáo đường thánh thiêng.

      Chi tiết khá thú vị là tác phẩm này được sự kết hợp hài hòa, tài tình của ba nhạc sĩ. Phần nhạc, lời điệp khúc và phiên khúc 1 của Hoài Đức; các phiên khúc còn lại do nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên viết tiếp, cùng phối âm bởi nhạc sĩ Hùng Lân, tạo thành bài thánh ca Giáng-sinh truyền cảm mà muôn người hâm mộ.

        “Cao cung lên khúc nhạc Thiên thần Chúa, hòa trong làn gió, nhẹ nhẹ vấn vương. Ôi linh thiêng lắng nghe thoang thoảng cung đàn, một đêm khuya vang vẳng trong tuyết sương. Đàn ôi cứ rung những điệu réo rắt, hát khen Con Một Chúa Trời, rầy sinh xuống cõi đời. Hỡi người dương thế, lặng nghe cung đàn. Mau tìm cho tới, thờ kính Vua giáng trần”.

       

        ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ NHẠC SĨ HOÀI ĐỨC

 

        Nhạc sĩ linh mục Hoài Đức tên thật là Giuse Lê Đức Triệu sinh ngày 1 tháng 7 năm 1922 tại Kẻ Nấp thuộc xã Vỹ Nhuế huyện Nghĩa Hưng tỉnh Nam Định. Là con thứ 5 trong gia đình đạo đức gồm 9 người con của ông bà Cố Phaolô Lê Danh Kim và Anna Nguyễn Thị Tăng. Thuở ấu thơ vì loạn lạc phải theo cha mẹ thuyên chuyển nhiều nơi. Năm 1938, lên thành Nam thi đậu bằng Sơ học Pháp Việt, sau đó về quê nội (xứ Kẻ Nấp) nghỉ hè, gặp thầy Nguyễn Văn Thuyết giới thiệu đi tu; vào học Tiểu chủng viện Hoàng Nguyên Hà Nội, nhận linh mục Trần Tiến Đức chánh xứ Bút Đông làm nghĩa phụ. Mãn khóa 6 năm học Latinh, thầy Triệu được cử về Bút Đông dạy học và phụng vụ giáo xứ. Tháng 7 năm 1945, nhập Đại chủng viện Hà Nội, nhưng chẳng mấy chốc phải sơ tán, đành quay lại Bút Đông.

        Tháng 9 năm 1946, vào Đại chủng viện Xuân Bích tiếp tục việc học hành, lúc này thầy chính thức tham gia Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh do Hùng Lân, Thiên Phụng, Nguyễn Khắc Xuyên, Hoài Chiên khởi xướng. Ngoài học triết, thần học và ngoại ngữ, thầy còn đi giúp các xứ Vỹ Nhuế, Chợ Nội, Sở Kiện, Cổ Nhuế, kế đến chuyển dạy tại Tiểu chủng viện Piô XII do linh mục Nguyễn Huy Mai làm giám đốc.

        Cuối năm 1954, thầy Triệu cùng chủng sinh di cư vào miền Nam. Tại Sàigòn, thầy được giao dạy các môn Latinh, Toán, Lý, Hóa và Âm nhạc trong Tiểu chủng viện tới niên khóa 1957 thì mãn. Sau về Đại chủng viện Xuân Bích ở Thị Nghè học nốt chương trình thần học, và ngày 6 tháng 6 năm 1959 được thụ phong linh mục tại nhà thờ Ngã Sáu – Chợ Lớn do Đức Cha Simon Hòa-Hiền chủ phong. Sau khi làm linh mục, Hoài Đức nhận chức Đoàn trưởng Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh từ nhạc sĩ Hùng Lân.

        Năm 1966, phụ tá Đức Cha Paul Seitz Kim tại giáo phận Kontum; giữa năm 1968 về Sàigòn nhận chức Thư ký Thường trực Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc, tháng 7 năm 1969 làm việc cùng Đức Cha Nguyễn Huy Mai, lo quản lý tài sản Nhà chung, đảm trách công tác xã hội và xây dựng cơ sở của giáo phận Ban Mê Thuột.

       Sau thời gian dài xa vắng - cuối năm 1987 -  mới trở lại Sàigòn, bấy giờ hội ngộ anh em Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, nhất trí đề đạt Hoài Đức tiếp tục lãnh chức Đoàn trưởng, bởi Hùng Lân khuất bóng, mất kỹ năng hoạt động. Nay lên mấy chục người gồm cả cũ lẫn mới, Nhạc đoàn như tái sinh theo nhịp độ dâng trào, cùng chung tài góp sức hầu xây dựng Thánh nhạc ngày mãi mãi thăng hoa.

 

        SỰ XUẤT HIỆN BÀI CAO CUNG LÊN

 

        Tháng 7 năm 1945, thầy Giuse Triệu đang giúp xứ Bút Đông, được triệu về Hà Nội chuẩn bị nhập Đại chủng viện Xuân Bích, khai giảng vào ngày 1 tháng 9. Về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm “Cao Cung Lên”, chính nhạc sĩ Hoài Đức cho biết, sau thượng tuần tháng 9, chủng sinh vẫn học bình thường gần một tháng, bỗng đâu lệnh kêu gọi dân chúng rời bỏ đô thị nhằm… lánh nạn, và các thầy chủng sinh cũng phải rời Hà Nội.

        Dịp sơ tán này, thầy Triệu về Bút Đông găp lại thầy Nguyễn Khắc Xuyên ở đây, và cả hai cùng nghiên cứu thuật sáng tác thánh ca. Chẳng ai ngờ tuyệt phẩm “Cao Cung Lên” được khai sinh vào mùa Giáng-sinh 1945, bởi một nhạc sĩ trẻ đang ngưỡng cửa thanh xuân. Qua những dòng phi lộ tự thuật cuộc đời mình: “Tôi sáng tác bài “Cao Cung Lên” do phấn khởi khi nghe chuông Dạ nguyền. Tại đó cùng cộng đoàn giáo dân làm giờ viếng Hang đá buổi chiều xong; tôi ra khỏi nhà thờ, đang bước xuống bậc thềm chợt rộn rã chuông vang. Và rồi bỗng cảm thấy trong tâm trí một tứ nhạc phỏng theo; sang hết sân nhà thờ, đã hình thành bản nhạc cả lời điệp khúc và lời phiên khúc 1. Ngay lúc đó, tôi vào phòng riêng chép lại thì nguồn cảm hứng vụt tắt, không thể đặt tiếp lời; liền đưa Nguyễn Khắc Xuyên tham khảo, và anh nhận thêm lời mấy phiên khúc 2,3, nên cung cách văn phong hơi khang khác của tôi”.

        Đề cập đến lai lịch chọn bút hiệu Hoài Đức, linh mục Giuse Lê Đức Triệu cho hay: “Khi ra Hà Nội học Triết Thần cơ bản, phải lấy căn cước mới nên tôi khai tên là Lê Đức Triệu và nhân tiện khai luôn cả bút danh. Do sâu đậm ân tình với Cha Trần Tiến Đức, tôi lấy hiệu Hoài Đức, hoặc mến thương Cha Đức là nghĩa phụ linh tông”.

 

        NHỮNG GIAI ĐIỆU CÒN VANG VỌNG

 

        Đã từ lâu và cho đến ngày nay, ngoài bản “Cao Cung Lên” nổi tiếng, Hoài Đức còn đóng góp cho nền Thánh nhạc Việt Nam khoảng 100 bài ca, có thể sử dụng quanh năm trong các mùa phụng vụ, qua những bài thuộc làu: Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cung Chúc Trinh Vương, Dâng Mẹ, Đêm Đông Âm U, Giờ Tử Nạn, Thờ Lạy Chúa, Này Con Là Đá, Cùng Đi Bêlem, v.v…

        Nhạc sĩ linh mục Hoài Đức – Giuse Lê Đức Triệu -  đã từ giã cộng đoàn Dân Chúa và Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh - đương chức Đoàn trưởng đến cuối đời – để về Nhà Chúa lúc 22giờ20’ ngày 7 tháng 7 năm 2007, hưởng thọ 85 tuổi, trong vô cùng thương tiếc của mọi người. Sau thánh lễ an táng ngày 11 tháng 7 năm 2007 do Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức chủ tế, thi hài hỏa táng, và di cốt đưa về Từ đường Phục-sinh giáo xứ Đaminh Ba Chuông – Phú Nhuận.

        Nhìn lại con đường trần thế, ngoài tác vụ theo thiên chức linh mục, Ngài còn nhiều cống hiến đa dạng cho Giáo hội và xã hội. Đặc biệt trong lãnh vực Thánh nhạc, đã khai thác chất liệu Dân ca ba miền, cùng Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh với phương châm Phụng sự Thiên Chúa và Tổ quốc (nội dung), lấy Dân ca cổ truyền làm cấu trúc âm thanh (hình thức). Từ đấy những trước tác nghệ thuật cứ lần lượt ra đời, trải khắp Bắc Trung Nam.

        Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh xuất hiện khiến nền Thánh nhạc Việt Nam thêm phong phú; chắc chắn phải đề cao nhạc phẩm “Cao Cung Lên” của Hoài Đức, luôn ngân vang trên nẻo đường đất nước, thành thị lẫn thôn quê, tỏa lan toàn thế giới, mỗi khi Giáng-sinh về.

         “Thôi hỡi trần gian im tiếng đi mà cung kính, Chúa Con sinh ra trong máng cỏ hang lừa. Tuy Chúa là Vua muôn nước suy phục tôn kính, Chúa bỏ ngai vàng sinh xuống trần đêm xưa”.

 

                                                                                       Vs. VŨ ĐÌNH ĐƯỜNG